THANH NIÊN
'Ăn vặt' nhưng mất lớn
07/07/2014 03:00Đó là hậu quả của việc "cán bộ thuế ăn vặt" mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận trong Hội nghị triển khai công tác thuế 6 tháng cuối năm hồi cuối tuần trước.
Mất đầu tiên là thời gian, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới mỗi
năm người dân và doanh nghiệp trong nước mất tới 872 giờ (100 ngày) dành
cho thủ tục thuế, cao gấp 4 - 5 lần các nước trong khu vực.
Nếu chỉ tính riêng doanh nghiệp (DN) nhỏ, số thời gian dành cho nộp
thuế chiếm 1/3 thời gian làm việc, tương đương... 4 tháng. Con số này
chưa được Ngân hàng Thế giới (WB) "quy" ra tiền nhưng cũng theo tổ chức
này, nếu rút ngắn được 29 ngày làm thủ tục thông quan xuất nhập khẩu
hàng hóa cho DN, GDP của VN đã tăng được khoảng 27,3 tỉ USD. Nhìn vào đó
sẽ thấy, với trung bình 100 ngày làm thủ tục thuế của mỗi DN hiện nay
chúng ta đã "mất lớn" đến chừng nào.
Mất thứ hai là ngân sách thất thu. Vì bị "hành", tâm lý trốn, né thuế
sẽ nảy sinh, ở khía cạnh này, ngân sách mất đi một khoản không nhỏ. Một
nghiên cứu trước đây của WB thể hiện rất rõ điều này.
Nghiên cứu trên viện dẫn, ở Hồng Kông, DN chỉ phải đóng 4 loại thuế,
chiếm 29% lợi nhuận và chỉ mất 80 giờ/năm nên các DN rất tự giác trong
việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Ngược lại, ở Belarus, DN phải đóng 12
loại thuế, chiếm gần hết lợi nhuận và tốn 1.188 giờ/năm nên nhiều DN tìm
mọi cách trốn thuế. Như vậy có thể thấy, chi phí - thời gian nộp thuế
rất quan trọng, nó ảnh hưởng đến việc tuân thủ luật thuế của DN, người
dân. Nhưng cái mất cực lớn là trường hợp cán bộ thuế bắt tay ăn chia với
DN phần thuế trốn. Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều nghi án trốn thuế
được phanh phui. Trên thực tế, rất khó để DN có thể qua mắt được nhà
thuế nếu đơn vị này làm nghiêm. Rồi những nghi án chuyển giá trốn thuế
của nhiều tập đoàn đa quốc gia tại VN. Rõ ràng là họ sống khỏe khi hoạt
động hàng chục, thậm chí hai chục năm trời. Họ liên tục xây thêm nhà
máy, bành trướng thị phần, lương cao thưởng lớn... nhưng lại báo lỗ
triền miên. Nếu thực sự lỗ, họ tới đây làm gì và ở lâu đến vậy?
Mất lớn hơn nữa là hình ảnh môi trường đầu tư của VN. Chúng ta đang
nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư trực tiếp nước
ngoài (FDI) nhưng chúng ta xếp "đội sổ" trong khu vực về thủ tục thuế dễ
khiến cho nhà đầu tư nản lòng. Chúng ta sẽ thuyết phục họ thế nào khi
chỉ riêng thủ tục thuế đã "ngốn" của DN hơn 3 tháng trời mỗi năm? Chúng
ta giải thích thế nào khi hình ảnh rất nhiều cán bộ thuế đã trở thành
"ngáo ộp" với dân, với DN?; thủ tục "hành là chính" để ăn tiền cũng từ
đây mà ra... Cuối cùng là một môi trường méo mó, đi đêm; năng lực cạnh
tranh của cả nền kinh tế trên bảng xếp hạng của nhiều tổ chức uy tín
trên thế giới bị hạ. Cái mất này nếu tính đúng - đủ là cực lớn.
Cơ sở để có thể "ăn vặt" là do thủ tục thuế của ta có quá nhiều quy
trình. Chúng ta đang yêu cầu tới bốn lần khai, nộp thuế VAT/năm, trong
khi Thái Lan chỉ cần một lần; Malaysia chỉ yêu cầu bốn loại giấy tờ để
hoàn thành thủ tục nhập khẩu thì VN yêu cầu tám... Muốn rút ngắn thời
gian nộp thuế phải rút ngắn quy trình, tiết kiệm thời gian, chi phí cho
DN, hạn chế được ăn vặt.
Chính phủ đã yêu cầu giảm thời gian nộp thuế xuống còn 171 giờ, bằng
với các nước trong khu vực vào năm 2015. Hy vọng khi đích thân Bộ trưởng
Đinh Tiến Dũng đã chỉ rõ tệ ăn vặt của ngành thuế thì việc cải cách thủ
tục thuế sẽ được thực hiện quyết liệt, triệt để.
Vì sao mất 872 giờ cho thủ tục thuế?
05/07/2014 07:40 (GMT + 7)
TT - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
trong buổi gặp ngành thuế ngày 3-7 đã phải kêu “đau đầu” vì tình trạng
nhũng nhiễu của cán bộ thuế, đặc biệt thủ tục thuế rườm rà khiến mỗi
doanh nghiệp, người dân phải mất đến 872 giờ/năm.
Người dân được hướng dẫn nộp các chứng từ liên quan về kê khai quyết toán thuế TNCN tại Cục Thuế TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm
Vì sao có con số kinh khủng như vậy?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Minh Thảo, phó ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nói:
- Thời gian phải dành ra để làm các thủ tục thuế lên
tới 872 giờ/năm là kết quả tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB) thể
hiện trên Báo cáo môi trường kinh doanh (Doing bussiness) hằng năm.
Nó dựa trên các cơ chế, chính sách mà VN ban hành, đo
lường số lần khai thuế doanh nghiệp phải thực hiện, số giờ phải bỏ ra để
chuẩn bị, nộp hồ sơ và chi trả...
Chúng tôi đã có nghiên cứu về cách đánh giá này của WB
và có so sánh từng chỉ tiêu với các nước lân cận. Kết quả, thời gian
phải dành ra để nộp thuế ở VN thuộc dạng cao và có nhiều “nút thắt”
chúng ta có thể cải cách được.
* Thưa bà, tại sao lại lên tới 872 giờ? Nhiều ý kiến băn khoăn tại sao con số lại cao đến thế?
"Các cơ quan liên quan cần phải có quyết tâm rất cao và giải pháp rất mạnh thì mới có thể đạt được mục tiêu giảm thời gian nộp thuế xuống còn 171 giờ/năm" |
- Theo Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2014 của WB,
VN đang yêu cầu tới 32 lần khai, nộp thuế/năm trong khi mức trung bình
của các nước châu Á - Thái Bình Dương chỉ 25 lần.
Phân tích chi tiết hơn, chúng tôi thấy trong tổng 872
giờ có thể phân ra riêng thời gian để nộp thuế VAT cần tới 320 giờ, 335
giờ cho các loại thuế và đóng góp an sinh xã hội của người lao động, 217
giờ cho việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Sở dĩ thời gian cần để nộp
thuế VAT nhiều như thế vì VN yêu cầu quá chi tiết trong hồ sơ khai.
Trước đây chúng ta yêu cầu doanh nghiệp khai, nộp mỗi
tháng một lần thuế VAT (12 lần/năm), từ 1-7-2013 đã giảm xuống còn bốn
lần nhưng các thủ tục và quá trình chờ đợi các thủ tục liên quan đến
thuế VAT vẫn cao. Như cơ quan thuế đặt ra quy định cần tới 40 ngày để xử
lý một số trường hợp doanh nghiệp yêu cầu hoàn thuế...
* Nhưng ngành thuế giải thích 872 giờ là WB tính cả
thời gian phải nộp các khoản cho bảo hiểm xã hội và bản thân họ đã cải
cách rồi?
- Chúng tôi có tìm hiểu thì thấy WB có tính cả thời
gian nộp các khoản bảo hiểm xã hội vào thời gian nộp thuế. Tính toán
tách ra thì thấy thời gian liên quan đến bảo hiểm xã hội là 335 giờ.
Đây đúng là con số cao, liên quan đến các quy định yêu
cầu phải tuân thủ trong nộp bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, rồi liên
quan cả quy định giao người sử dụng lao động phải làm các thủ tục liên
quan đến hoàn thuế thu nhập cá nhân...
Đó là cách tính của WB. Bản thân thời gian chỉ liên
quan đến ngành thuế sau khi trừ thời gian liên quan đến bảo hiểm xã hội
thực tế còn tới 537 giờ. Điều này cho thấy cùng ngành thuế, bảo hiểm xã
hội cũng cần phải nghiêm túc vào cuộc để cải thiện tình hình.
Thời gian nộp thuế của doanh nghiệp VN và Thái Lan - Đồ họa: N.Khanh |
* Thời gian dành cho thủ tục thuế của doanh nghiệp
VN so với các nước trong khu vực như thế nào, thưa bà? Nó ảnh hưởng ra
sao đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp?
- Nếu tính mỗi ngày làm việc tám tiếng, thì khoảng thời
gian 872 tiếng tương đương tới 100 ngày làm việc. Đây là chi phí thời
gian lớn của doanh nghiệp VN, trong khi thời gian để nộp thuế trung bình
của các doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương chỉ khoảng 208 giờ/năm,
tức thấp hơn 4 lần.
VN đang yêu cầu tới bốn lần khai, nộp thuế VAT/năm,
trong khi Thái Lan chỉ cần một lần. Tổng thời gian doanh nghiệp, tổ
chức... phải dành ra để nộp thuế ở Thái Lan chỉ 264 giờ, bằng khoảng 25%
so với VN. So với Malaysia, họ chỉ yêu cầu bốn loại giấy tờ để hoàn
thành thủ tục nhập khẩu thì VN yêu cầu tám.
Ngoài ra, có tính toán nêu rõ chi phí cần thiết để hoàn
thành thủ tục xuất khẩu một container của Malaysia chỉ 485 USD thì VN
cần tới 600 USD! Rõ ràng, tất cả chi phí liên quan đến thuế, hải quan
đều sẽ được tính vào giá thành. Thời gian cũng là tiền bạc của doanh
nghiệp.
Vì vậy, với thời gian phải bỏ ra nộp thuế cao hơn hẳn,
đương nhiên sức cạnh tranh của doanh nghiệp VN sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực
và đây là điều đáng tiếc.
* Theo bà, để rút ngắn thời gian ngang bằng với các nước trong khu vực, ngành thuế VN phải cải cách mất bao lâu?
- Chính phủ đã có nghị quyết 19/NQ-CP yêu cầu đến năm
2015 phải giảm thời gian nộp thuế xuống còn 171 giờ/năm. Tại sao lại có
con số trên? Đó là số giờ trung bình phải dành ra để nộp thuế của ASEAN
6, tức sáu nước ASEAN thuộc nhóm phát triển hơn, gồm Thái Lan, Malaysia,
Indonesia, Singapore, Brunei và Philippines.
Tức là con số 171 giờ/năm nhiều nước trong ASEAN đã đạt
và tiến sát rồi. VN cũng có thể tiến tới con số đó. Tuy nhiên, muốn đạt
là khó, cần cả ngành thuế và bảo hiểm xã hội vào cuộc thật sự.
CẦM VĂN KÌNH thực hiện
Buộc phải giảm số giờ nộp thuế xuống
Sáng 4-7, Bộ Tài chính đã tổ chức họp sơ kết sáu tháng
đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm. Phát biểu tại hội
nghị, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng nhận định số thời gian để một doanh
nghiệp thực hiện thủ tục hành chính thuế trong mỗi năm là 872 giờ có
giảm so với mấy năm trước nhưng vẫn còn rất cao. Ngành thuế buộc phải
giảm số giờ nộp thuế xuống.
Ông Nguyễn Văn Phúc, phó chủ tịch Ủy ban Kinh tế Quốc
hội, đề nghị cần phải rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục xuất nhập
khẩu. Dẫn lại một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung
ương mới hoàn thiện, ông Phúc cho hay nếu chúng ta rút ngắn được thời
gian nhập khẩu xuống 15 ngày và xuất khẩu 14 ngày sẽ giúp GDP của nước
ta tăng lên mỗi năm hơn 27 tỉ USD.
L.THANH
|
* Anh Nam (kế toán một công ty dịch vụ tư vấn thuế tại TP.HCM):
Không am hiểu pháp luật sẽ bị ép
Vừa rồi doanh nghiệp (DN) tôi nộp báo cáo sử dụng hóa
đơn quý chậm hai ngày, theo quy định là không bị phạt, cao nhất chỉ bị
cảnh cáo nhưng cơ quan thuế điện thoại kêu DN lên trình bày. Dựa trên
những hiểu biết có được, tôi đã tranh luận lại với cán bộ thuế. Đuối lý,
cán bộ thuế nói tôi ký đại vào biên bản, cơ quan thuế chưa ra quyết
định phạt đâu. Tôi không đồng ý bởi nếu ký vào biên bản chẳng khác nào
chúng tôi tự nguyện chịu phạt. Nhưng cán bộ thuế nói nếu cơ quan thuế ra
quyết định phạt thì DN vẫn có thể làm đơn khiếu nại. Tôi không đồng ý
thì cán bộ thuế “hù” nói sẽ gọi cho giám đốc, nhưng rốt cuộc vị cán bộ
này vẫn không gọi cho giám đốc DN phản ảnh dù tôi kiên quyết không ký
vào biên bản. Qua sự việc này có thể thấy nếu DN không am hiểu pháp luật
sẽ rất dễ bị thiệt.
* Một đại lý thuế tại TP.HCM:
Văn bản thay đổi liên tục
Hiện cơ quan thuế ban hành văn bản mới liên tục, văn
bản cũ áp dụng chưa bao lâu đã có văn bản mới thay thế. DN nếu không
theo dõi kỹ khó nắm bắt được các thay đổi này dẫn đến vẫn làm theo mẫu
cũ, đến nơi cơ quan thuế không nhận hồ sơ lại phải về chỉnh sửa theo mẫu
mới. Việc này lặp lại liên tục khiến DN mệt mỏi khi đi làm thủ tục.
Chưa kể câu chữ trong nhiều văn bản pháp luật chưa rõ
ràng, đưa đến nhiều cách hiểu khác nhau. Đây cũng chính là “kẽ hở” cho
cán bộ thuế tận dụng nhằm làm khó DN. Nhiều DN phải tìm đến các dịch vụ
thuế để nhẹ bớt gánh nặng. Bộ trưởng Bộ Tài chính đã bắt đúng căn bệnh
của ngành thuế, vậy hãy mau bốc thuốc chữa căn bệnh này.
* Ông Bùi Văn Nam (tổng cục trưởng Tổng cục Thuế):
Sẽ nâng cao chất lượng đội ngũ
Vướng mắc về thuế của DN lớn nhất là khoản thu liên
quan đến thuế thu nhập cá nhân khi có số người nộp thuế lớn lên tới 17,8
triệu mã số thuế. Vướng mắc thứ hai là chính sách thuế về đất đai. Do
đó thời gian tới, ngành thuế đặt mục tiêu cao nhất là phải cải cách thủ
tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho DN phát triển kinh doanh và giảm
sự kêu ca, phiền hà của người nộp thuế.
Liên quan đến phẩm chất của cán bộ ngành thuế, dư luận
nói rất nhiều đến việc cán bộ thuế hách dịch, cửa quyền, không nắm vững
chính sách... Cái này cần đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ để hạn chế
tiêu cực, nâng cao chất lượng đội ngũ và đi kèm với thanh tra xử lý sai
phạm.
* Ông Phi Văn Tuấn (cục trưởng Cục Thuế Hà Nội):
Một hồ sơ hoàn thuế gồm 18 chữ ký
Chính sách về hoàn thuế thu nhập cá nhân còn một số
điểm chưa tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Đơn cử như công tác quyết
toán thuế. Đến nay, Hà Nội đang phải xử lý gần 9.000 bộ hồ sơ hoàn thuế.
Có đơn vị có gần 2.000 hồ sơ đề nghị hoàn thuế. Một hồ sơ hoàn thuế gồm
13 bản giấy A4 với 13 chữ ký, chưa kể năm chữ ký của lệnh hoàn trả. Như
thế, chỉ ký và sắp xếp hồ sơ cũng hết thời gian. Do vậy, Cục Thuế Hà
Nội đề nghị chính sách nên sửa theo hướng đưa ra ngưỡng nhất định thì
hoàn lại cho người nộp thuế, còn không thì bù trừ vào lần quyết toán sau
đó.
ÁNH HỒNG - L.THANH ghi
|
No comments:
Post a Comment