Bauxit Việt Nam
Cập nhật: Đọc thêm:
17/07/2014
Vài câu hỏi kính gởi Luật Sư NGUYÊN LE-HA - Trương Nhân Tuấn
14/07/2014
Luật sư NGUYEN LE-HA
Từ
nhiều tuần nay, các học giả, nhà nghiên cứu, chính trị gia, luật gia
nói viết nhiều về công điện Phạm Văn Đồng ký và gửi ngày 14/9/1958 cho
Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai liên quan tới lời tuyên bố của Trung
Quốc ngày 4/9/1958 về bề rộng lãnh hải của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung
Quốc nới rộng là 12 hải lý bao gồm lãnh thổ trên đất liền và các hải đảo
ngoài khơi, Đài Loan và quần đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo
Tây Sa (Xisha tức Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Nansha
tức Trường Sa).
Điều tuyên bố trên của Trung
Quốc về việc nới rộng biển đảo ra 12 hải lý hoàn toàn phù hợp với đề
nghị của Hội Nghị Quốc Tế về luật biển họp tại Genève từ ngày 24-2 đến
29-4-1958.
Bức công điện Thủ tướng Phạm Văn Đồng có nội dung như sau:
“Chính
phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố
ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc,
quyết định về hải phận của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc trên mặt bể.”
Chính công điện hay công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng này đã gây nên những tranh cãi bất tận và đối nghịch nhau đưa đến những giải thích và kết luận có nhiều điểm hoàn toàn trái với luật thông lệ quốc tế, công pháp quốc tế và luật quốc tế về hiệp ước.
Chúng tôi nhận thấy có sự nhầm lẫn căn bản là: sự lẫn lộn Luật quốc nội (droit interne) và Luật công pháp quốc tế (droit publique international), và Luật quốc tế về hiệp ước (droit international des traités), đặt biệt Công Ước Vienne về Hiệp Ước (Convention de Vienne sur le droit des traités).
Chúng
tôi sẽ giải thích sự lầm lẫn trên có thể đưa đến các kết luận tai hại
qua việc đánh giá không chính xác công điện Phạm Văn Đồng đồng thời với
những lời giải thích này hy vọng sẽ soi sáng các quyết định của các nhà
lãnh đạo Chính quyền Việt Nam can đảm nắm bắt cơ may bằng cách sử dụng
cơ quan tài phán quốc tế thích hợp để Việt Nam chiến thắng trên trường
quốc tế liên quan tới Hoàng Sa và Trường Sa (1).
I- TÌM HIỂU NỘI DUNG CÔNG ĐIỆN VÀ Ý ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG PHẠM VĂN ĐỒNG
1)- Đọc lại từng câu, từng chữ Công điện, chúng tôi nhận thấy mạch lạc rõ ràng (sans équivoque): “Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố…, quyết định về hải phận của Trung Quốc.
Đoạn tiếp: “Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tôn trọng quyết định… hải phận 12 hải lý” và còn nhấn mạnh ba chữ cuối câu “trên mặt bể.”
2)- Công
điện Phạm Văn Đồng không hề nhắc đến, hay ám chỉ các đảo Hoàng Sa và
Trường Sa thuộc chủ quyền và quản lý của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hoà
(Việt Nam Cộng Hòa), một quốc gia độc lập (indépendance) có chủ quyền
(souveraineté) và được quốc tế thừa nhận tương tự như Chính Phủ Việt Nam
Dân Chủ Cộng Hoà (VNDCCH) với thủ đô là Hà Nội.
Sự
giải thích trên đúng với qui định căn cứ theo điều 29 Công Ước Vienne
về Hiệp Ứơc: thoả ước chỉ áp dụng trên toàn lãnh thổ của bên kết ước
(2).
3)- Nhìn kỹ lại lời tuyên bố của Trung Quốc 4/9/1958, trong thời điểm Hội Nghị Quốc Tế về luật biển họp tại Genève, chỉ cốt yếu về việc nới rộng biển đảo ra 12 hải lý, không phải là lời tuyên bố vể chủ quyền các đảo
mặc dù lời tuyên bố có chồng chéo lên chủ quyền các đảo thuộc các nước
khác như Việt Nam Cộng Hoà (Hoàng Sa và Trường Sa) và các nước
Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan (Trường Sa).
Đằng khác, Công Pháp Quốc tế cũng chỉ cho phép tuyên bố đơn phương một đối tượng duy nhất chỉ định rõ ràng như như việc việc nới rộng biển đảo ra 12 hải lý của Trung Quốc.
Chính
vì lý do đó, các quốc gia này đã không thấy cần thiết phải lên tiếng về
lời tuyên bố của Trung Quốc ngoại trừ Thủ tướng Phạm Văn Đồng của Chính
Phủ của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà là một quốc gia độc lập với Chính Phủ
Việt Nam Cộng Hoà (theo Hiệp Định Genève 1954 phân định) lên tiếng ủng
hộ thông qua Công điện nói trên.
Điều 31 Công
Ước Vienne về hiệp ước cho biết việc giải thích thỏa ước phải thiện ý
theo ý nghĩa bình thường trong bối cảnh thoả ước phát sinh và theo đối
tượng và mục đích rõ ràng trong thỏa ước.
Như
vậy Công điện Phạm Văn Đồng được phát sinh gửi đi trong bối cảnh Trung
Quốc tuyên bố nới rộng biển đảo ra 12 hải lý vào thời điểm Hội Nghị Quốc
Tế về luật biển họp tại Genève từ ngày 24-2 đến 29-4-1958.
Đàng
khác, đối tượng và mục đích rõ ràng ghi trong Công điện chỉ rõ việc
thừa nhận 12 hải lý mở rộng, không có một chữ, một câu nào trực tiếp hay
gián tiếp thừa nhận chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc.
Điều
32 Công Ước Vienne cũng qui định, trong trường hợp văn kiện mù mờ,
không rõ ràng, có nguy cơ đưa tới kết luận kỳ quái (absurde) vô lý thì
phải xem xét những công việc sửa soạn trước đó và những tình huống đưa
tới việc ký kết văn kiện.
Thực vậy cho đến nay,
trước thời điểm ký văn kiện, cũng như từ ngày Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký
gửi công điện 14/9/1958 tán thành việc nới rộng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc,
cho đến khi mất đã không hề tìm thấy một tài liệu nào công nhận hay mặc
nhiên công nhận các đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc.
Đàng
khác, chúng tôi cũng không thấy có một sự kiện nào, bằng các cuộc thảo
luận thương thuyết hay văn bản trao đổi giữa Trong Quốc và Việt Nam liên
quan tới Hoàng Sa và Trường Sa trước và sau công điện do Thủ tướng Phạm
Văn Đồng ký ngày 14/9/1958.
Trái lại, thực tế cho thấy:
- Ngay
khi Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ ngày 30/4/1975, quân đội của
Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam tiếp quản đảo
Trường Sa rối giao lại cho Chính Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà khi thống
nhất đất nước 1976.
- Trận hải chiến ngày
19/1/1974 do Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa thuộc chủ quyền và quản lý của
Việt Nam Cộng Hoà đã làm thiệt mạng 75 quân nhân Việt Nam Cộng Hòa anh
dũng chiến đấu. Ngay tức thì, ngày 19/1/1974, Bộ Ngoại Giao Việt Nam
Cộng Hòa ra tuyên cáo phản đối hành vi xâm lược của Trung Quốc. Tương
tự, Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam cũng đã phản
đối hành động của Trung Quốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với
quần đảo Hoàng Sa.
- Ngày 14/3/1988, Trung Quốc
đem quân xâm chiếm các bãi đá Gạc Ma, Colin và Len Đao thuộc quần đảo
Trường Sa của Việt Nam và giết hại 64 hải quân Việt Nam ra bảo vệ.
Các
sự kiện nêu trên, sau khi Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa không tồn tại,
các Chính quyền kế tiếp từ Chính quyền Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền
Nam Việt Nam đến Chính quyền Dân Chủ Cộng Hoà và nay là Chính quyền Xã
Hội Chủ Nghĩa Việt Nam không có một sự nhượng bộ hay thỏa ước nào được
biết đến cho tới nay liên quan tới các đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tất
cả các giải thích trên cho thấy, Công điện hay Công hàm của Thủ tướng
Phạm Văn Đồng ký gửi ngày 14/9/1958 cho Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai
tuyến bố về lãnh hải 12 hải lý, chỉ là một sự tuyên bố ngoại giao không giá trị pháp lý, không có tác dụng công nhận chủ quyền liên quan tới đảo Hoàng Sa (Xisha) và Trường Sa (Nansha) của Việt Nam.
Theo
chúng tôi, Công điện này chỉ có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu một thời kỳ
thắm thiết “môi hở răng lạnh giữ hai nước anh em đồng chí cùng chung một
giường” và dưới ảnh hưởng nặng nề của Trung Quốc đồng thời chứng tỏ
người lãnh đạo đất nước thiếu cảnh giác và không có tầm nhìn xa.
II- NHỮNG LẦM LẪN TAI HẠI
Sai lầm:
lẫn lộn về tư cách pháp lý trong hiệp ước quốc tế và cách giải thích
Công điện Phạm Văn Đồng tùy tiện theo cảm tính hay theo lăng kính chính
trị không căn cứ vào căn bản pháp luật.
Chúng ta đều biết Hiến Pháp quốc gia là luật quốc nội
thường ghi nhận và bảo đảm những quyền căn bản của công dân đồng thời
qui định cách tổ chức và điều hành quốc gia làm sao phát triển bền vững
và mang phúc lợi tối đa cho mỗi người dân.
Trong
Hiến Pháp, có những điều khoản qui định về về tư cách pháp lý (qualité
juridique) của người dân, của viên chức chính quyền hay của các tổ chức
dân sự hay thương mại, được gọi là pháp nhân (personne juridique).
Trong Công Pháp Quốc Tế, cũng có những điều khoản qui định về người đại diện quốc gia hay người có thẩm quyền, không nói người có tư cách pháp lý bởi vì nó thuộc luật quốc nội qui định các điều kiện khác nhau tùy theo mỗi quốc gia.
Bởi
vậy không thể áp dụng tư cách pháp lý (luật quốc nội) vào các hiệp ước
quốc tế để yêu cầu hủy bỏ thỏa ước đã ký do ngươi ký không có tư cách
pháp lý hay vựợt quyền (ultra vires) theo luật quốc nội như trường hợp
nêu ra bởi một số học giả và luật gia liên quan tới câu hỏi làm sao giải
thoát hoặc vô hiệu hóa Công Hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký.
Có
người lại còn yêu cầu Quốc Hội Việt Nam ra nghị quyết hủy bỏ Công Hàm
của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký cách đây 56 năm, hoăc xa hơn đòi xoá
bỏ chính thể hiện nay và lập lại Việt Nam Cộng Hòa. Thật là ngộ nghĩnh
tức cười.
Luận cứ của họ cho rằng công hàm Thủ
tướng Phạm Văn Đồng thực sự công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên các
đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam tương tự lập luận của Trung Quốc
nhưng, theo họ, là vô giá trị vì những lý do sau đây:
- Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có tư cách pháp lý để ký công hàm; hoặc
- Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã vượt quyền hạn (ultra vires); hoặc
-
Công hàm ký bởi Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã không đưa ra Quốc Hội Việt
Nam phê chuẩn, nên thiếu sự đồng thuận (vice de consentement), hoặc vi
hiến.
Các lập luận trên hoàn toàn trái với Thông Tục Quốc Tế, đặc biệt các qui định của Luật Quốc tế về hiệp ước.
Thật
vậy, nếu đã coi Công hàm ký bởi Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một văn bản
(hiệp ước) công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên các đảo Hoàng Sa và
Trường Sa của Việt Nam thì giải pháp vô hiệu hóa Công Hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký của các học giả và luật gia trên hoàn toàn lầm lạc bởi các lý do sau đây:
-
Điều 27 và 46 Công Ước Vienne về hiệp ước không cho phép viện dẫn luật
quốc nội như là tì vết (vice) của sự thỏa thuận (consentement) để hủy
hiệp ước đã ký, hay không muốn thi hành viện dẫn lý do Công Hàm Thủ
tướng Phạm Văn Đồng đã không được đưa ra Quốc Hội Việt Nam phê chuẩn.
-
Điều 7 Công Ước trên ghi rất rõ những ai là đại diện của quốc gia kết
ước có đầy đủ quyền lực (pleins pouvoirs) ký, chuẩn nhận, đồng ý một
hiệp ước và quốc gia đó bị trói buộc vào hiệp ước.
- Điều 7.2.a): chỉ rõ người đứng đầu quốc gia, người đứng đầu chính phủ, bộ trưởng ngoại giao là những người đại diện quốc gia.
-
Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký Công Hàm là người đứng đầu chính phủ Chính
Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà có đầy đủ quyền lực ký và nhà nước Việt
Nam Dân Chủ Cộng Hoà phải bị ràng buộc.
- Nói khác đi, Nhà Nước Việt Nam phải tôn trọng và thi hành hiệp ước được ký bởi người đại diện là Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Giả
sử nội vụ được đưa ra Tòa Án Công Lý Quốc Tế với những dữ kiện và lập
luận sai lầm trên, kết quả sẽ hết sức tai hại mà độc giả đã thấy trước.
III- CƠ HỘI NGÀN VÀNG ĐỂ VIỆT NAM XÁC QUYẾT CHỦ QUYỀN TRÊN HAI NHÓM ĐẢO HOÀNG SA và TRƯỜNG SA
1- Cơ hội ngàn vàng
Từ
ngày Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký Công Hàm đã 56 năm, môt số không nhỏ
các nhà lãnh đạo đất nước vẫn còn mê mẩn với các khẩu hiệu loè bịp như
“các nước xã hội chủ nghiã đều là anh em”, rồi “16 chữ vàng và 4 tốt” do
Trung Quốc ban tặng, mặc dù chính họ đã kinh qua nhiều trận chiến tàn
phá khủng khiếp 6 tỉnh biên giới Việt-Trung năm 1979, xâm chiếm biển đảo
Hoàng Sa năm 1974 và đảo đá Gạc Ma thuộc Trường Sa năm 1988.
Sự
việc giàn khoan Hải Dương 981 Trung Quốc đặt trái phép vào thềm lục địa
Việt Nam từ hai tháng nay cùng kéo theo hơn 100 các tàu đủ loại, đủ cỡ
để bảo vệ các hoạt động của họ cộng với thái độ ngang ngược bất nhân đối
với các tàu kiểm ngư và tàu cá của Việt Nam đã là một giọt nước làm
tràn ly.
Sự kiện này có lẽ đang thức tỉnh một số quan chức còn mơ màng chỉ nhìn thấy Tàu lạ mà không thấy TÀU thiệt đã và đang giết hại ngư dân Việt từ nhiều năm nay.
Trong
khi đó nhân dân cả nước đã tỉnh ngộ từ lâu, họ biết tàu lạ là ai. Đức
Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch Ủy Ban Công Lý Hoà Bình thuộc Hội
Đồng Giám Mục Việt Nam, đã quả quyết rằng: “Tàu lớn, tàu nhỏ, tàu lạ, tất cả đều là TÀU cả”.
Ngày nay phải bổ túc câu nói trên: “… tàu lặn, tàu ngầm, tàu bay, tất cả đều là TÀU cả”.
Ý
dân là Ý Trời: các cuộc xuống đường hàng chục ngàn người, các cuộc hội
thảo công khai về biển đảo, các kiến nghị của trí thức, các hội đoàn đủ
mọi tầng lớp trong xã hội tố cáo Trung Quốc chiếm đoạt và vi phạm biển
đảo Việt Nam dâng cao chưa từng có phải chăng là dấu chỉ báo trước cơn
đại địa chấn Tsumani?
Trên bình diện quốc tế,
Trung Quốc đang bị kết án không tuân theo luật lệ quốc tế và muốn dùng
vũ lực thay đổi đơn phương nguyên trạng tại biển Hoa Đông và Biển Đông.
Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng và vài vị lãnh đạo cao cấp mới đây, đã tố cáo
đích danh Trung Quốc vi phạm lãnh hải Việt Nam và đe doạ đưa vụ việc ra
Toà Án Quốc Tế giải quyết.
Đó là tín hiệu đáng
mừng! Nhưng quan trọng là phải hành động ngay! Không phải truyền lại
trách nghiệm cho các thế hệ con cháu 1000 năm sau mới đòi lại như tuyên
bố của một quan chức quyền thế.
Theo thiển ý,
chúng tôi nghĩ rằng Chính quyền Việt Nam không còn chọn lựa nào khác hơn
là khiếu kiện Trung Quốc ra Toà Án Công Lý Quốc Tế La Haye thay vì Toà
Án Trọng Tài Quốc Tế như Philippines đang tiến hành.
Việc đưa các tranh chấp ra Tòa Án Quốc Tế là một phương cách giải quyết hòa bình, bình đẳng và khách quan. Các quốc gia văn minh dân chủ coi đó là cách giải quyết rất bình thường giữa các quốc gia khi có bất đồng tranh chấp và không hề làm suy giảm tình hữu nghị.
Hiến Chương Liên Hiệp Quốc tại Điều 73 khuyến nghị các thành viên Liên Hiệp Quốc sử dụng Tòa Án Công Lý Quốc Tế giải quyết các tranh phương chấp như là biện pháp hoà bình.
2- Tòa Án Công Lý QuốcTế La Haye
Chúng tôi đề nghị vụ khiếu kiện Trung Quốc ra Tòa Án Công Lý QuốcTế La Haye và nội dung khiếu kiện phải bao gồm các tranh chấp liên quan tới các nhóm đảo Hoàng Sa và Trường Sa bởi các lý do sau đây:
a)- Toà Án Trọng Tài Quốc Tế
đang thụ lý vụ Chính quyền Philippines khiếu nại đường lưỡi bò 9 đoạn
do Trung Quốc tự nhận chủ quyền chiếm đến 90% toàn bộ Biển Đông, vi phạm
quyền, chủ quyền và quyền tài phán các biển đảo của họ đang chiếm giữ.
- Mục đích và đối tượng khiếu tố của họ đơn giản và dễ dàng giải quyết:
Trung Quốc chỉ cần có chút thiện chí công nhận các quyền đó bằng một
thỏa ước riêng rẽ giữa hai nước và được phê chuẩn bởi Toà Án Trọng Tài
Quốc Tế đang thụ lý mà không tổn hại nhiều tới đường lưỡi bò 9 đoạn của
họ.
Chúng tôi cũng cần lưu ý quý độc giả rằng,
nếu thỏa ước đó thành hình thì nó chỉ có giá trị giữa hai nước ký kết mà
không ảnh hưởng gì tới các nước khác về đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung
Quốc.
- Toà Án Trọng Tài Quốc Tế, như tên gọi,
cốt yếu nhằm giảng hoà, tìm đồng thuận giữa các bên để đạt tới một thỏa
hiệp (compromis) mà không bắt buộc phải căn cứ vào các luật lệ quốc tế.
Án lệ quốc tế đã nhiều lần minh tỏ điều đó.
Giải pháp đó gọi là ex aequo et bono (công bình và hữu ích).
Bởi
vậy, Chính quyền Việt Nam, nếu muốn giải quyết toàn bộ và dứt khoát các
tranh chấp liên quan tới các nhóm đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nên khiếu
tố trước Tòa Án Công Lý QuốcTế La Haye, theo chúng tôi là chọn lựa thích hợp và tốt nhất bởi các lý do trình bày dưới đây.
b)- Tòa Án Công Lý QuốcTế La Haye
-
Vụ việc tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan tới Hoàng Sa
và Trường Sa phức tạp hơn nhiều vì theo chúng tôi hiểu, thứ nhất là cả
hai nước đều đòi chủ quyền trên toàn thể hai nhóm đảo này và thứ hai là các chủ quyền đòi hỏi chồng chéo nhau
liên quan tới nhiều quốc gia như: Việt Nam, Trung Quốc, Philippines,
Đài Loan, Malaysia, Brunei đối quần đảo Trường Sa và Việt Nam, Trung
Quốc đối với nhóm đảo Hoàng Sa.
- Tòa Án Công Lý
Quốc Tế (3) là cơ quan cơ quan tài phán chính yếu của Liên Hiệp Quốc có
thẩm quyền bao quát các tranh chấp quốc tế tương tự như các Toà Án Trên
(Cour Supérieure), còn được gọi là Toà Án Luật Chung (tribunal de droit
comun) tại các nước có truyền thống pháp quyền.
-
Tòa Án Công Lý Quốc Tế, qua thủ tục có thể giúp Việt Nam thông đạt tới
tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, các luận cứ và chứng cứ
liên quan tới Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Đây là một
phương cách hữu hiệu nhất để các nước trên toàn thế giới biết quyền lợi
chính đáng về biển đảo của Việt Nam.
- Tòa Án
Công Lý Quốc Tế, cũng có thể cho mở điều tra hay lấy ý kiến chuyên môn
của các cá nhân, tổ chức, cơ quan khi thấy cần thiết do Tòa chỉ định.
- Tòa Án cũng có thể ra án lệnh yêu cầu các bên cung cấp tài liệu cần thiết (pertinents) nhằm giải quyết vụ việc.
Đó là tính cách đặc thù về thẩm quyền bao quát (globale, universelle) của Tòa Án Công Lý Quốc Tế La Haye.
- Hơn nữa, trong vụ khiếu kiện trước Tòa Án Công Lý Quốc Tế các nước có chủ quyền chồng chéo có thể tham dự với tư cách quốc gia đệ tam (intervenant)
một khi phán quyết của Toà Án có thể tổn hại tới chủ quyển của họ, như
trường hợp quần đảo Trường Sa nói ở trên giữa Việt Nam, Trung Quốc,
Philippines, Đài Loan, Malaysia, Brunei.
Một khi đã tham dự thì phán quyết có giá trị cho tất cả.
Hy
vọng những trình bày các sự kiện và giải thích (4) trên giúp độc giả có
cái nhìn đứng đắn về một vấn đề cực kỳ quan trọng có nguy cơ tổn hại
đến sự toàn vẹn lãnh thổ biển đảo và chủ quyền độc lập Việt Nam.
N. L. H.
Tác giả gửi BVN.
GHI CHÚ
(1): Theo
đánh giá các chứng cứ hiện có của Trung Quốc và Việt Nam, theo chúng
tôi, khả năng thắng kiện gần như chắc chắn. Tuy nhiên vấn đề còn tuỳ
thuộc cách trình bày vấn đề, chọn lựa các chứng cứ (pertinents), toà án
thụ lý, chiến thuật trình bày vấn đề, để làm sao bắt buộc Trung Quốc có
nhiệm vụ phải chứng minh các chứng cứ về chủ quyền (charges de preuves)
không phải phía Việt Nam vì các hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung
Quốc đối với Việt Nam, v.v. Các chứng cứ về lịch sử, chiếm hữu thực sự
hòa bình, liên tục của Việt Nam rất rõ ràng, điều mà Trung Quốc không
có, nên luận cứ chính của họ là Công Hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng
ngày 14/9/1958 mặc nhiên công nhận chủ quyền của họ trên hai quần đảo
Trường Sa và Hoàng Sa.
Chiến thuật hiện nay của
họ là thương thảo đơn phương, không chấp nhận phân xử của Toà Án Quốc
Tế, và từ từ tạo ra các chứng cứ mới qui định bởi Công Ứơc Quốc Tế về
luật biển 1982, bằng cách ru ngủ các nhà lãnh đạo Việt Nam bất động
trong một thời gian dài với mỹ từ “chuyện trong gia đình, đời sau sẽ
đòi, ngàn năm sau sẽ đòi…”.
(2): Công Ước
Vienne về Hiệp Ước (Convention de Vienne sur le droit des traités) thông
qua ngày 23/5/1969 và có hiệu lực ngày 27/01/1980.
(3): Tòa Án Công Lý Quốc Tế được thông qua ngày 26/6/1945 và có hiệu lực ngày 24/10/1946.
(4):
Chúng tôi chỉ đưa ra vài sự kiện với lời giải thích ngắn gọn nhằm giúp
độc giả dễ hiểu một điểm pháp lý quan trọng về Công điện hay Công hàm
của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 14/9/1958. Đàng khác, ý thức được
tầm quan trọng này, chúng tôi để đồng bào, các cơ quan truyền thông
(medias) trong và ngoài nước Việt Nam tùy ý sử dụng, chỉ với một điều
kiện duy nhất là không được thay đổi, cắt xén thêm bớt nội dung.
Là
một luật sư chuyên nghiệp, có ba con luật sư, hai trong ba hiện với hơn
12 năm kinh nghiệm các hồ sơ quốc tế và các toà án quốc tế, hiện một
con làm việc với tư cách luật sư cố vấn, luật sư biện hộ (co-counsel,
defense lawyer) tại Tòa Án Quốc Tế tại La Haye, mong đóng góp phần
chuyên môn liên quan tới Hoàng Sa và Trường Sa. Trân trọng.
No comments:
Post a Comment