Thursday, July 17, 2014

Vỡ ống nước sông Đà: Xứng đáng ghi danh kỷ lục Guiness

 VTC News

 | Xã hội

Đường ống nước Sông Đà vỡ lần thứ 9
Đường ống nước sạch Sông Đà dẫn nước về Hà Nội vỡ lần thứ 9

Cử tri Hà Nội cho rằng, sự việc 9 lần vỡ ống nước sông Đà phải được coi là một kỷ lục Guinness ở thế giới chứ không phải ở Việt Nam.

Cử tri phường Hàng Mã đã nêu bức xúc khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 10 HĐND TP Hà Nội vào sáng 17/7.

Đề cập đến chất lượng phiên họp thứ 10 vừa qua, cử tri Phạm Thị Dạn (phường Hàng Bài) đánh giá cao phiên chất vấn với thái độ thẳng thắn, có trách nhiệm. Các đại biểu đã đề cập đến những vấn đề bức xúc ở thủ đô, trong đó có sự cố liên tiếp vỡ ống nước sông Đà, hay tình trạng vỉa hè Hà Nội tại con đường "đắt nhất hành tinh" Kim Liên –  Ô Chợ Dừa vừa làm xong đã hỏng.

Vỡ ống nước sông Đà: Xứng đáng ghi danh kỷ lục Guiness
Chủ tịch UBND Hà Nội tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm sáng 17/7 (Ảnh: Nguyễn Dũng) 

Cử tri Hàng Bài mong muốn HĐND TP tăng cường giám sát hơn nữa mọi công trình đầu tư xây dựng, nhất là những công trình liên quan đến thành phố, tác động nhiều đến đời sống dân sinh, để cuộc sống của người dân ngày được nâng cao.

Trước thực trạng đường ống nước sông Đà 3 ngày 2 lần bị vỡ, nâng tổng số lần bị vỡ lên 9 lần từ khi đưa vào sử dụng đến nay, cử tri Hoàng Viên (phường Hàng Mã) đánh giá: "Đây phải được coi là một kỷ lục Guinness ở thế giới chứ không phải ở Việt Nam!".

“Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, nguyên nhân được đánh giá là chất lượng đường ống kém, nhưng trách nhiệm cụ thể thuộc về ai thì lại chưa rõ. Tôi xin hỏi nếu đó là đường ống dẫn khí đốt, đường ống dẫn dầu thì hậu quả sẽ thế nào?”. Cử tri Viên nêu bức xúc và đề nghị cần làm rõ trách nhiệm cá nhân cụ thể, vì đây không phải là sơ suất ngẫu nhiên, mà là vấn đề mua bán vật tư.

Theo cử tri Viên, việc mua thiết bị vật tư, lâu nay ai cũng biết người ta thường mua loại giá rẻ, có hoa hồng cao, lại quả nhiều. Dù biết chất lượng không đảm bảo nhưng người ta cũng chỉ cần sử dụng an toàn được đúng một nhiệm kỳ họ công tác.

“Chúng ta cứ quen cái gọi là trách nhiệm tập thể và nhiều tập thể của nhiều đơn vị cơ quan tổ chức. Cả 2 loại trách nhiệm này đều dẫn đến tình trạng không ai chịu trách nhiệm. Sai sót chưa được chỉ đích danh thì tham nhũng, lãng phí còn có đất để hoành hành. Quy trách nhiệm người đứng đầu cơ quan xảy ra sai sót mới là cải cách hành chính” - ông Viên nói.

Đặt nghi vấn trong tư duy nhiệm kỳ từ lãnh đạo Vinaconex, cử tri phường Hàng Mã cũng cho rằng, sự cố này không thể coi là ngẫu nhiên. Với tổng cộng 9 lần vỡ, tính trung bình cứ 2 tháng đường ống nước sông Đà lại bị vỡ một lần. Người không có kiến thức gì về xây dựng, đường ống cũng phải giật mình.



Vỡ ống nước sông Đà: Xứng đáng ghi danh kỷ lục Guiness
Cử tri phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm cho rằng sự cố 9 lần vỡ ống nước sông Đà xứng đáng đạt kỷ lục Guinness. 

Trước các ý kiến cử tri, Phó giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, sau khi đường ống nước sông Đà vỡ lần thứ 9, Tổng Giám đốc Vinaconex đã chính thức xin lỗi người dân. UBND TP cũng đã chỉ đạo quyết liệt về việc này, và đã thống nhất cho phép Vinaconex được triển khai thêm đường ống song song với đường cũ.

“Đây thực sự là một bài học cho cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị thực hiện cho các dự án tiếp theo” – ông Tuấn nói.

Đề cập đến thực trạng này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, nguyên nhân dẫn đến sự cố vỡ đường ống nước sông Đà có nhiều, song trọng tâm nhất vẫn là chất lượng đường ống do chính Vinaconex sản xuất, được Bộ Xây dựng thẩm định. Trách nhiệm của sự cố này hoàn toàn thuộc về Vinaconex!

Để khắc phục tình trạng thiếu nước trong nhân dân, ngoài duy trì tuyến ống này, các đơn vị phải thường xuyên túc trực phòng chống, khắc phục ngay các điểm xảy ra sự cố. Bên cạnh đó, trong lúc xảy ra sự cố, các công ty cấp nước khác phải điều chỉnh hệ thống kết nối với nhau, để bổ trợ cho phần khu vực cấp nước sông Đà bị mất. Khu vực nào không điều chỉnh được thì phải dùng xe téc cấp nước cho nhân dân.

“Vinaconex đã nhận thấy thiếu sót và xin lỗi người dân rồi. Còn việc xử lý trách nhiệm thì cứ theo quy định của pháp luật” – ông Thảo cho biết.

Theo ông Nguyễn Thế Thảo, phía Vinaconex đã sẵn sàng ứng vốn để triển khai tuyến nước thứ 2 theo kế hoạch. Đến tháng 9 này khởi công để sớm thông ống, mở rộng hết công suất 100 nghìn m3/ngày đêm. Trong trường hợp Vinaconex không làm, thành phố sẽ làm. Hà Nội phải đáp ứng 600 nghìn m3/ ngày đêm và đến năm 2020 sẽ đạt 1 triệu m3/ ngày đêm khi hoàn thành xong 4 tuyến ống nước sông Đà.


» Vỡ ống nước lần thứ 9, Hà Nội quyết làm ống mới?
» Vỡ ống nước sông Đà lần 8: Sẽ xây thêm một đường ống mới

Theo Infonet


7 lần vỡ ống nước sông Đà: Công nghệ Trung Quốc chứa mầm bệnh?

Chuyên gia cảnh báo hệ thống đường ống dẫn nước Trung Quốc chứa mầm bệnh, không đạt tiêu chuẩn an toàn.

Một số loài vi sinh vật có thể gây dịch bệnh nghiêm trọng đang tồn tại trong hệ thống đường ống dẫn nước uống của các thành phố lớn ở Trung Quốc.

Phân tích nguyên nhân, các nhà khoa học cho rằng do hệ thống ống dẫn nước có chất lượng không đạt tiêu chuẩn an toàn. Họ đề xuất giải pháp thay thế hệ thống ống dẫn nước hiện tại bằng những loại có chất lượng cao hơn, bằng kim loại hoặc nhựa được phủ lớp chất đặc biệt kháng vi sinh vật.

7 lần vỡ ống nước sông Đà: Công nghệ Trung Quốc chứa mầm bệnh?
Đường ống nước sông Đà 7 lần bị vỡ  
 
Tờ South China Morning Post dẫn lời giới chuyên gia Trung Quốc cảnh báo, điều này rất nguy hiểm đối với người nước ngoài ở Trung Quốc vì họ thường có thói quen uống nước trực tiếp từ vòi. An toàn nước sinh hoạt ở Trung Quốc trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu của người dân nước này sau vụ khủng hoảng "nước uống nhiễm chất gây ung thư benzene" cao gấp 20 lần tiêu chuẩn cho phép ở thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc hồi tháng 4/2014.

Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, tiêu thụ thức ăn hoặc nước uống có nhiễm lượng lớn benzene có thể gây ra buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, chóng mặt, buồn ngủ, co giật, rối loạn nhịp tim và nặng nhất là tử vong. Ông Shi Zifa, giáo sư ngành hóa học tại Đại học Lan Châu, cho biết uống phải nước chứa benzene có thể gây “ngộ độc cấp tính”.

Hà Nội vỡ ống nước 7 lần  

Trong khi Trung Quốc cảnh báo về hệ thống nước không an toàn, thì có khoảng 70.000 hộ dân tại các quận thuộc Hà Nội đang sử dụng nguồn nước từ công nghệ Trung Quốc. Liên quan tới sự cố vỡ đường ống nước sông Đà, sự thật công nghệ Trung Quốc đã được tiết lộ. Khoảng 1h sáng ngày 26/4, tuyến đường ống dẫn nước sạch Sông Đà về Hà Nội lại xảy ra sự cố vỡ ống tại Km26+600 trên đại lộ Thăng Long.

Đây là lần thứ 6 đường ống này bị vỡ, ảnh hưởng sinh hoạt khoảng 70.000 hộ dân thuộc các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai... Trong báo cáo về tuyến ống truyền tải Nhà máy nước sông Đà, Vinaconex cũng đã thừa nhận, kể từ tháng 12/2012 đến tháng nay đã 7 lần xảy ra sự cố vỡ đường ống nước (Lần 1 ngày 3/2/2012, lần 2 ngày 04/2/2012, lần 3 ngày 21/3/2013, lần 4 ngày 21/11/2013, lần 5 ngày 16/12/2013, lần 6 ngày 1/4/2014, lần 7 ngày 26/4/2014).

Ông Nguyễn Văn Tốn, giám đốc Công ty nước sạch Vinaconex, chịu trách nhiệm trực tiếp về sự cố trên vẫn chưa thể khẳng định được nguyên nhân. Tuy nhiên, ông Tốn tiết lộ "chất liệu và công nghệ của tuyến đường ống truyền tải từ nhà máy nước sông Đà về Hà Nội, là cốt sợi thủy tinh, công nghệ chế tạo do tổng công ty Vinaconex đưa từ Trung Quốc về". 

Điều đáng nói, công nghệ này được nhận định là chỉ phù hợp với việc dẫn nước xả thải, không phù hợp với việc dẫn nước sạch với áp suất nước lớn. Thế nhưng, Giám đốc Công ty nước sạch Vinaconex vẫn cho rằng, trên thế giới có rất nhiều quốc gia đang sử dụng công nghệ ống này cho cấp nước, kể cả Trung Quốc.

Theo Đất Việt

» Ống nước sông Đà 'nổ' liên tiếp: 'Ông chủ' Vinaconex trần tình
» Đường ống nước sông Đà 'nổ' liên tiếp: Sai sót mang tính hệ thống
» Vỡ đường ống Sông Đà nhiều lần, ai chịu trách nhiệm?

» Vỡ ống nước sông Đà lần 8: Sẽ xây thêm một đường ống mới
» Đường ống nước sạch Sông Đà tiếp tục bị vỡ lần thứ 8
» 1.000 tỷ đồng sửa vỉa hè Hà Nội: 'Có tìm ra ông nào sai phạm?'

No comments:

Post a Comment