Cập nhật: 08:58 GMT - thứ tư, 30 tháng 7, 2014
Đã ba tuần trôi qua kể từ khi Israel chính thức đổ
quân vào Gaza. Tính đến trước giờ tạm ngừng bắn, từ phía Palestine có
hơn 1000 người chết, gần 800 người là thường dân. Phía Israel mất 53
mạng người, trong đó có 3 thường dân.
Tháng Ramadan đáng lẽ là thời gian của hân hoan và chúc phúc đã trở thành tháng địa ngục đối với những người dân ở Gaza.
Nhìn lướt qua các bản tin chính rất dễ có cảm giác như cả thế giới đang lên án Israel.
Những bức ảnh đẫm máu của thường dân vô tội, các
dãy phố bị san bằng thành bình địa và xác thây trẻ con bị đạn xé tanh
bành là những âm thanh choáng ngất với người đọc, át đi tất cả mọi câu
chữ.
Người ta thường đồn về sự thâu tóm và ảnh hưởng sâu rộng của Israel trong các hành lang chính trị và báo chí.
Sự ảnh hưởng này thực sự lớn đến mức nào thì còn
nhiều tranh cãi, nhưng đối với nhiều người dân Trung Đông, tay chân của
Israel thâu tóm và chi phối gần như toàn bộ nền báo chí thế giới.
Thuyết âm mưu gắn với Israel nhiều vô số.
Bất kỳ sự kiện nào xảy ra cũng có thể được quy
kết cho âm mưu của Israel, thậm chí cả ISIS ở Syria và Iraq cũng bị cho
là do Israel giật dây để người Hồi đánh giết lẫn nhau.
Tuy nhiên, nếu so sánh một cách công bằng, sự
ảnh hưởng này, nếu có thật, cũng dường như đang thất thế trước một làn
sóng kết đoàn của 54 quốc gia có đa số dân Hồi giáo trên thế giới, hoặc
ít nhất cũng là vài trăm triệu dân ở Trung Đông gần như đồng lòng phản
đối Israel.
Vũ trang bằng một thứ vũ khí có sức mạnh bom tấn
hơn bất kỳ loại súng ống lựu đạn nào, mạng xã hội ba tuần qua như một
mồi lửa tràn ngập các kênh thông tin, nhấn chìm Israel vào một cơn lũ
xoáy của những lời rủa xả.
Không gì khiến trái tim thế giới dễ lay chuyển hơn là một bức ảnh trẻ con chết vùi trong đất cát.
Chỉ cần một cú nhấn click, facebook, blog,
twitters…tràn ngập ảnh những hài nhi tan nát. Những người ủng hộ
Palestine đã đánh trúng tâm lý của một thế giới có trái tim mong manh,
ai cũng có ít nhiều mặc cảm tội lỗi, chỉ còn những đứa trẻ là trong sáng
thiên thần.
Để so sánh, chúng ta có thể liên tưởng đến bức
ảnh nổi tiếng về cô bé Kim Phúc trần truồng gào khóc chạy trên đường sau
khi bị bom napalm đốt cháy năm 1972.
Khi phóng viên Nick Ut bấm máy, anh hiểu rằng
tấm ảnh này sẽ chấm dứt cuộc chiến Việt Nam. Đơn giản vì dư luận Mỹ
không thể không kinh hoàng khi nhìn thấy một sinh linh vô tội bị nghiền
nát trong bom đạn.
Giờ đây, không chỉ có một Nick Ut mà hàng nghìn
người 24/7 chụp hàng nghìn những bức ảnh Kim Phúc mới, cùng với hàng
triệu người 24/7 truyền đi thông điệp về sự man rợ của Israel.
Cội nguồn của cuộc chiến
Palestine là một vùng đất rộng lớn nằm ở phía
Tây bán đảo Ả Rập, là nơi sinh sống của hàng trăm bộ lạc Ả Rập và cũng
là nơi vương quốc cổ xưa Israel được thành lập từ 3000 năm trước.
Người Do Thái mất nước đã lâu, chỉ còn một bộ
phận rất nhỏ bám trụ lại mảnh đất mà họ tin rằng Thượng Đế đã hứa ban
cho trong Kinh Cựu Ước (Promised Land). Dân Do Thái trước thế chiến
chiếm vỏn vẹn 3% dân số của toàn vùng Palestine.
Năm 1897, một phóng viên Do Thái người Áo-Hung tên là Theodor Herzl dấy lên phong trào kêu gọi phục hưng nhà nước Do Thái tên là Zionism (bắt nguồn từ chữ Zion, chỉ Jerusalem).
Kể từ đó, Zionism khiến hàng ngàn người Do Thái
quay trở về Palestine, lên đến đỉnh điểm khi thảm họa diệt chủng Đức
Quốc Xã giết 5 triệu rưỡi dân Do Thái.
Người Do Thái từ châu Âu ồ ạt tìm cách mua lại
đất đai ở Palestine khiến người Ả Rập vô cùng tức giận. Liên Hợp Quốc
(LHQ) bèn đề xuất việc chia vùng Palestine làm hai phần, một cho dân Do
Thái Palestine lập nhà nước Israel, một cho dân Hồi giáo Palestine thành
lập nhà nước Ả Rập thống nhất, riêng Jerusalem thì trở thành đặc khu
quốc tế do LHQ kiểm soát.
Dân Do Thái Palestine đồng ý và lập tức thành
lập nhà nước Israel. Dân Hồi ở Palestine kịch liệt phản đối. Họ cho rằng
cả vùng Palestine phải được công nhận là một nhà nước độc lập duy nhất,
và vì đa số dân chúng là người Hồi nên theo nhà nước mới thành lập phải
là nhà nước Hồi giáo.
Chỉ một ngày sau khi nhà nước Israel non trẻ
tuyên bố thành lập, liên minh 5 nước khổng lồ quanh đó gồm Ai Cập,
Jordan, Syria, Iraq và Li Băng đồng loạt nổ súng tấn công với danh nghĩa
đồng minh bảo vệ người Hồi Palestine thấp cổ bé họng.
Đất đai giành giật, chiếm đi cướp lại xóa nhòa
đường biên vốn do LHQ đề xuất. Israel mới đầu chỉ là tự vệ, sau càng
chiến càng hăng, một mình đánh tan tác liên quân Hồi giáo, trên đà thắng
thế chiếm luôn cả Jerusalem làm thủ đô, rồi kiểm soát cả một phần lớn
vùng đất của người Hồi Palestine, đẩy hàng chục ngàn dân Hồi tị nạn
không còn chỗ quay về, vì thế nên đây còn gọi là vùng bị chiếm đóng.
Chiến lược phủ đầu
Vùng Palestine cho đến giờ vẫn chỉ có Israel là
nhà nước được công nhận. Gaza và các phần còn lại của Palestine vẫn chưa
có danh tính của một nhà nước độc lập và phần lớn nằm dưới quyền giám
sát của Israel.
Tuy nhiên, chính tình trạng không chủ quyền này
khiến bất kỳ động thái quân sự nào của Israel cũng như thể tự bắn vào
chân mình. Đơn giản vì Israel về mặt logic không thể vừa nắm quyền giám
sát, vừa tuyên bố chiến tranh với vùng lãnh thổ mà mình giám sát. Hơn
nữa, trong cuộc chiến giữa một quốc gia độc lập và một thực thể phi quốc
gia thì mặc nhiên phe phi quốc gia được coi là kẻ thấp cổ bé họng, chỉ
cần sống sót thôi cũng đã là một chiến thắng.
Làm chủ Gaza là Hamas, một đảng Hồi giáo trung dung nhưng kiên quyết không công nhận nhà nước Israel.
Hamas liên tục bắn rocket sang Israel, đào hàng
chục cây số hầm ngầm để tấn công Israel bằng bom cảm tử. Kẻ đối đầu của
Hamas ở Gaza là những đảng chống Israel đến hơi thở cuối cùng.
Chính vì thế, Hamas luôn trong tình trạng phải
thể hiện sự không khoan nhượng đối với Israel ở mức độ cao nhất để đánh
bại những địch thủ chính trị của mình.
Các cuộc đụng độ giữa Hamas và Israel liên tục
để lại khoảng cách khủng khiếp khi Israel thiệt hại không đáng kể còn
phía Hamas và Palestine có các con số thương vong cao gấp hàng chục,
thậm chí hàng trăm lần.
Đây là nguyên tắc căn bản của chiến lược phủ đầu
(deterrence), áp dụng như một phương pháp răn đe nhằm tránh một cuộc
chiến ở diện rộng. Trong chiến lược phủ đầu, kẻ ra tay bằng mọi cách
khiến cho đối thủ hiểu rằng họ sẵn sàng trả cái giá cao nhất, kể cả khi
phải đi ngược lại lợi ích của chính mình.
Đây chính là những gì Israel đang làm. Phủ đầu,
tiêu diệt, đập tan các đường hầm, kể cả khi sự tiêu diệt đó lỡ tay đi
kèm với hàng trăm sinh mạng phụ nữ và trẻ em không may mắn.
Việc một số nhà hoạt động nhân quyền lên án
Israel diệt chủng ở Gaza là một lời tuyên án ngây thơ, đơn giản vì
Israel đương nhiên chỉ có thiệt hại nặng nề khi thế giới chứng kiến họ
đánh bom tàn sát Gaza.
Nhưng tại sao Israel vẫn tiếp tục cuộc đổ bộ? Vì
họ tin rằng Hamas chỉ chùn tay khi biết Israel không bao giờ ngần ngại
và sẵn sàng xả súng.
Cán cân đạo đức nghiêng về ai?
Chiến lược phủ đầu khiến Israel thua đậm trong một cuộc chiến mà họ là người chiến thắng.
Tuy nhiên, sự rủa xả của dư luận thế giới dành
cho Israel dường như xuất phát từ tình cảm bồng bột mà thiếu đi một chút
khách quan khi nhìn nhận và so sánh tương quan đạo đức giữa hai đối thủ
trong cuộc chiến.
Những kẻ khủng bố như Hamas không mặc quân phục.
Họ chứa vũ khí và đạn dược trong các khu dân cư và trường học khiến
lính Israel không thể tiêu diệt đối thủ mà không sát hại đến dân thường.
Dù Israel trước khi đổ quân vào Gaza có gửi các
tờ rơi và tin nhắn báo trước về các cuộc đánh bom, mạng lưới dân sự và
quân sự kiểu chiến tranh nhân dân của Hamas khiến thương vong là không
thể tránh khỏi.
Tin tức thế giới vì thế hầu như không có hình
ảnh chiến binh Hamas đối đầu với lính Israel mà chỉ có cảnh dân Gaza mất
nhà mất cửa.
Xét về bản chất của từng đối thủ, tác giả cuốn
"The end of faith" Sam Harris cho rằng câu hỏi quan trọng nhất phải được
đặt ra là họ sẽ làm gì nếu có trong tay quyền lực tối thượng?
Với sức mạnh quân sự đứng hàng thứ 6 trên thế
giới, Israel có thể tiêu diệt Gaza cho đến người dân cuối cùng mà không
cần đến giả thuyết về quyền lực. Họ có thể sẽ không làm gì khác ngoaì
những gì họ đã và đang làm.
Tuy nhiên, nếu sức mạnh tối thượng đó nằm trong
tay Hamas, rất có thể toàn bộ Israel sẽ bị tiêu diệt. rất nhiều người
Hồi ở Trung Đông tin vào thuyết âm mưu cho rằng thảm họa diệt chủng của
Đức Quốc xã 100% là màn kịch tự bày ra của người Do Thái để họ lấy cớ
chiếm đất Palestine.
Những kẻ cực đoan cao giọng: “Hitler thật tệ vì đã không hoàn thành nhiệm vụ của mình”.
Người Do Thái có lịch sử sống chung với những cộng đồng không hề che giấu ý muốn họ sẽ bị diệt chủng đến kẻ cuối cùng.
Hiến chương của Hamas khẳng định về một tương
lai mà “mỗi hòn đá, mỗi gốc cây sẽ biết kêu lên: ‘Này tín đồ Hồi giáo,
có một kẻ Do Thái đang nấp sau ta đây. Hãy đến mà giết hắn đi’”.
Ngày 8 tháng 7, sau khi Israel đánh bom 50 điểm ở
Gaza và chính thức đổ bộ qua biên giới, Hamas tuyên bố tất cả công dân
Israel đều là kẻ thù và nằm trong tầm tiêu diệt hợp pháp của Hamas. Cả
thế giới chẳng ai buồn nháy mắt, đơn giản vì Hamas bị mặc định là kẻ
xấu, nói gì chẳng được.
Israel đương nhiên không thể đưa ra một tuyên bố
như vậy. Và để làm Hamas chùn tay, họ gần như đã giết nhầm còn hơn bỏ
sót. Sự nhầm đó khiến cả thế giới nổi giận mà quên đi rằng với họ, bỏ
sót có nghĩa là bỏ mạng.
Những ngày qua hàng tỷ người dán mắt vào Gaza mà
quên đi những cuộc thảm sát khủng khiếp hơn hàng chục lần ở Syria. Hàng
trăm cuộc biểu tình, hàng trăm ngàn trang tin cho một cuộc đụng độ mà
truyền thông mới thực sự là kẻ nắm cán cân thắng thua.
Rốt cuộc, người Hồi đánh nhau với người Hồi chắc chắn không thể nóng sốt bằng người Hồi đánh nhau với người Do Thái.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của Bấm
tác giả, hiện đang giảng dạy môn Trung Đông Học tại Đại học
Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan và là tác giả cuốn Con Đường Hồi
Giáo viết về 12 quốc gia Trung Đông thời hậu Mùa Xuân Ả Rập.
Hamas 'sẽ không ngừng bắn’
Cập nhật: 04:13 GMT - thứ tư, 30 tháng 7, 2014
Một lãnh đạo kín tiếng của
Hamas đã bác bỏ tin cho rằng nhóm chiến binh Hồi giáo này đã
sẵn sàng ký một lệnh ngừng bắn với Israel để chấm dứt bạo
lực ở Gaza.
Trong một đoạn băng thu âm, ông Mohammad Deif, thủ lĩnh cánh quân sự của Hamas, nói quân của ông ‘sẵn sàng chết’.
Thông điệp này được đưa ra vào cuối một ngày điêu tàn ở Gaza
khi mà nhà máy điện duy nhất của vùng lãnh thổ này bị thiêu
cháy.
Các cuộc tấn công của Israel đã giết chết
hơn 100 người dân Palestine, nâng tổng số thương vong của phía
Palestine lên hơn 1.200 người, các quan chức Gaza cho biết.
Về phần mình, Israel đã có 53 binh lính
thiệt mạng. Hai thường dân của nước này cùng một công nhân Thái
Lan cũng nằm trong số tử vong.
Phá hủy địa đạo
“Chúng tôi không chấp nhận bất cứ điều
kiện ngừng bắn nào,” hãng tin Mỹ AP dẫn lời ông Mohammad Deif
nói, “Sẽ không có ngừng bắn nếu không chấm dứt sự hung hăng và
ngưng phong tỏa.”
Israel và Ai Cập đã áp đặt lệnh phong tỏa lên Gaza để hạn chế việc đưa hàng hóa vào đây kể từ năm 2007.
Đoạn băng thu âm ông Mohammad Deif xuất hiện cùng thời với đoạn video ghi lại hình ảnh các chiến binh Hamas sử dụng đường ngầm để tấn công một binh lính Israel.
Israel nhấn mạnh rằng sự tồn tại của hệ thống địa đạo này mà họ cho là do Hamas đào để sử dụng cho việc đột nhập vào lãnh thổ Israel là lý do chủ chốt để họ thúc đẩy chiến dịch ‘Vành đai Bảo vệ’.
Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) muốn tiếp tục chiến dịch phá hủy hệ thống địa đạo này ngay cả khi đạt được lệnh ngừng bắn.
Trước đó, một lãnh đạo cấp cao của người Palestine ở Bờ Tây, ông Yasser Abed Rabbo, nói lệnh ngừng bắn có thể sắp đạt được. Ông này nói mình phát ngôn cho Hamas.
Tuy nhiên một phát ngôn nhân của Hamas đã nhanh chóng bác bỏ điều này.
Có tin Gaza bị nã pháo sau khi trời tối – nhiều giờ sau khi một loạt các mục tiêu có liên quan với Hamas được cho là đã trúng bom đạn của Israel.
Trước đó, một cột khói khổng lồ bao phủ
nhà máy điện duy nhất trên dải Gaza sau khi một trong những bồn
nhiêu liệu của nó được cho là bốc cháy sau khi trúng đạn pháo
Israel. Nhà máy điện này đã phải đóng cửa.
Giám đốc nhà máy nói với BBC rằng nhà máy điện này sẽ phải dừng hoạt động trong một năm.
Các nguồn tin cũng cho biết các đài phát
thanh và đài truyền hình do Hamas kiểm soát, ba thánh đường,
bốn xí nghiệp và các cơ quan chính phủ cũng bị trúng đạn
pháo Israel.
Các nguồn tin an ninh Palestine nói với BBC rằng hải cảng của Gaza đã bị phá hủy.
Israel cho biết họ đã bắn trúng 110 mục
tiêu hôm 29/7. Palestine nói có bảy gia đình nằm trong số hơn 100
người thiệt mạng trong ngày 29/7.
‘Quyết loại Hamas’
Cơ quan Cứu trợ Liên Hiệp Quốc cho biết họ đang chăm lo cho hơn 200.000 người hiện trú ẩn tại các cơ sở của họ. Cơ quan này cũng nói rằng một số nhân viên của họ cũng đã thiệt mạng.Có 55 căn nhà đã bị phá hủy trong các đợt ném bom vào đêm 28/7 trong đó có ít nhất ba ngôi nhà bị sập chôn vùi những người có mặt bên trong, các nguồn tin an ninh nói với BBC.
Căn nhà bỏ trống của ông Ismail Haniyeh, cựu thủ tướng Palestine thuộc Hamas, cũng bị phá hủy.
Một người hàng xóm có tên là Um Hani Abu
Ryalah nói với hãng tin Mỹ AP rằng cả nhà bà rất kinh hoàng:
“Các con tôi không thể nghe được gì vì những tiếng nổ ầm ầm
và chúng run lên vì sợ.”
Trong khi đó, hỏa tiễn được phóng từ Gaza tiếp tục rơi vào lãnh thổ Israel.
Hệ thống lá chắn tên lửa Mái vòm Sắt
(Iron Dome) đã chặn được bốn quả tên lửa trên bầu trời thành
phố phía nam Beersheva, truyền thông Israel tường thuật.
Ở thủ đô Tel Aviv vào một số thành thị khác tiếng còi xe cứu thương đã vang lên.
Ông Peter Lerner, phát ngôn nhân của quân đội Israel, nói với hãng tin Mỹ AP rằng sức ép đang gia tăng lên Hamas.
“Israel quyết tâm tấn công Hamas để loại bỏ mối đe dọa này đối với chúng tôi,” ông nói.
Trong lúc này, một cuộc tập hợp ủng hộ
cho chiến dịch của chính quyền Israel sẽ diễn ra vào tối ngày
30/7 tại Tel Aviv.
No comments:
Post a Comment