Thursday, July 17, 2014

Bye Bye HY 981

Bauxite Việt Nam

18/07/2014

André Menras Hồ Cương Quyết
Phạm Toàn dịch

Từ ngày 2 tháng năm vừa rồi, Bắc Kinh đã hạ đặt một giàn khoan khổng lồ HY981 tại vùng biển Đông Nam Á, gần đảo Tri Tôn ở phía Nam quần đảo Hoàng Sa. Từ tháng giêng năm 1974, quần đảo với chừng ba chục đảo chìm, bãi rạn và bãi đá ngầm này đã bị Hải quân Trung Quốc chiếm. Khi đó quần đảo này thuộc quyền quản trị và tài phán của Việt Nam Cộng hòa. Việc giàn khoan này được đặt sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cho thấy Trung Quốc một lần nữa lại vi phạm Luật Biển quốc tế cũng như các quyền chủ quyền của Việt Nam. Người Trung Hoa đã huy động hơn 100 tàu các loại (tàu phòng tên lửa, tàu hải giám, tàu lai dắt) cùng những tàu đánh cá giả mạo để tạo ra một chu vi bảo vệ chừng 10 cây số chung quanh giàn khoan.

Các tàu Cảnh sát biển, tàu ngư chính và tàu đánh cá Việt Nam, tổng cộng bốn chục chiếc, đã tiến thẳng đến mặt trận này nhằm ngăn chặn và phản đối sự xâm nhập trái phép của Trung Quốc. Trong cuộc dàn trận siêu thực này, một tàu cá Việt Nam đã bị ba tàu của Trung Quốc săn đuổi và đâm chìm trước sự dõi theo bất lực của Cảnh sát biển Việt Nam, và chỉ có 9 thành viên thủy thủ đoàn được cứu. Nhiều tàu Cảnh sát biển Việt cũng bị tàu chiến Trung Quốc húc, đâm. Một chục binh sĩ Việt Nam bị thương trong đó có người bị thương nặng. Sau đó còn có cuộc dùng súng phun nước bắn nhau. Phía Trung Quốc nhiều chục năm nay đã dùng lối bắn súng nước này để chống lại ngư dân Việt Nam, áp lực nước đủ mạnh để phá các buồng lái và nếu là thuyển đánh cá nhỏ loại vỏ gỗ thì có thể bị đánh đắm.

Trong lúc căng thẳng dâng cao, nhà cầm quyền Việt Nam quyết định mời các nhà báo ngoại quốc tới chứng kiến tại chỗ sự xâm lược của Trung Quốc. Từ Đà Nẵng trực chỉ Hoàng Sa, tôi đã thực hiện cuộc hải trình 350 km trên con tàu Cảnh sát biển mang số hiệu 8003. Trên tàu, cùng với ba mươi người trong thủy thủ đoàn, còn là ba chục phóng viên Việt Nam và mười hai phóng viên quốc tế, trong đó có các phóng viên báo New York Times, đài BBC, hãng Reuters, báo The Guardian, hãng thông tấn Jiji Nhật Bản... Cả một binh đoàn những máy quay phim máy ghi hình có ống kính têlê rất mạnh... Một cuộc chiến tranh của những ống kính!

Sau nhiều giờ băng biển với tốc độ 14 hải lý / giờ, chúng tôi đã bắt gặp những thuyền đánh cá Trung Hoa đầu tiên đang hướng thẳng vào chúng tôi một cách khiêu khích, rồi từ xa, những bóng tàu chiến xám xám của Trung Quốc cũng dàn hàng ngang nghênh chiến, mũi tàu vểnh lên hướng vào chúng tôi. Chúng tôi đi ngang nhiều tàu Cảnh sát biển và tàu ngư chính Việt Nam, thế rồi đến hồi 15 giờ, cách chúng tôi 300 mét, có hai tàu chiến Trung Quốc đang đuổi theo một con tàu của Việt Nam. Ba tàu Việt Nam khác tới hỗ trợ, và cuộc rượt đuổi của người Tàu ngừng lại. Những cảnh phim Tom và Jerry mà con mèo Tàu có thể ăn tươi nuốt sống Jerry. Phía Trung Quốc từng chứng tỏ là họ dám như vậy lắm khi họ đánh đắm rồi bỏ mặc những đoàn ngư phủ giữa biển khơi. Một chi tiết đầy sức thuyết phục: trên các con tàu Việt Nam, các khẩu pháo đặt bên sườn và mũi tàu đều phủ bạt nhựa màu xanh. Phía bên kia, các khẩu pháo trên các tàu Trung Quốc đều không che và sẵn sàng nhả đạn.

Có thông báo về trận bão Rammasun từ phía Philippin tới. Cơn xúc động đầu tiên qua đi, chúng tôi được thông báo rằng hướng đi của cơn bão không qua Hoàng Sa mà đi thẳng vào đảo Hải Nam của Trung Quốc. Đó là tin vui, nhưng kém vui hơn tin sáng nay 16 tháng bảy khi chúng tôi mới ngủ dậy: từ 21 giờ tối qua, người Trung Hoa bắt đầu rút giàn khoan của họ ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để đi về Hải Nam.

Nhiệm vụ chúng tôi đã xong, chúng tôi hướng mũi tàu quay về Đà Nẵng. Trung tá Ngô Văn Tùng, 34 tuổi, thuyền trưởng, tổ chức một cuộc họp báo mini. Ông chỉ trên bản đồ vị trí hiện thời của giàn khoan đã ở ngoài vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam, và tuyên bố đó là thắng lợi của chính sách hòa bình và cứng rắn của Việt Nam, với sự ủng hộ của dư luận quốc tế.

Tôi không biết rõ nhà cầm quyền Trung Hoa sẽ đưa ra lý do gì để giải thích cho cuộc rút lui khá giống với một cuộc tháo chạy. Gì thì gì, đó khó có thể là vì trận bão sắp đổ tới, vì giàn khoan được rút chạy khỏi một vùng bão chỉ có thể lướt qua để lui về một vùng được thông báo là trận bão sẽ đổ bộ với tất cả sức mạnh của nó. Trung tá Tùng nói đúng, đó là một chiến thắng của Việt Nam và bè bạn của Việt Nam trên khắp thế giới. Và không nghi ngờ gì hết, đó là một thất bại của chính sách bành trướng của những con diều hâu Bắc Kinh. Khi khởi hành từ Đà Nẵng, như một linh cảm, tôi có mang theo một chai champagne. Chúng tôi các nhà báo và thủy thủ đoàn ồn ã bật nút rót rượu chia nhau. Cốt cho họ lúc này ở Hải Nam nghe rõ chúng tôi đang vui ra sao.

A. M. H. C. Q.
Tác giả gửi BVN.

No comments:

Post a Comment