06:34 - 26 tháng 7, 2014
Quan điểm
•Quan điểm
Vạch trần bản chất của Trung Quốc
Trên con tàu CSB 8003 chở các phóng viên
trong và ngoài nước ra tác nghiệp ở vùng biển Hoàng Sa, có một ông Tây
đã lớn tuổi nhưng rất hoạt bát. Trong suốt chuyến hải trình, trong khi
nhiều phóng viên tím tái vì say sóng và nằm bất động thì ông vẫn làm
việc không ngơi nghỉ. Lúc thì ông quay phim, chụp ảnh, lúc thì mở máy
tính miệt mài viết lách. Ông là André Marcel Menras (68 tuổi), đến từ
miền Nam nước Pháp.
Nhiều giờ trò chuyện với André Marcel
Menras trên boong tàu đầy nắng gió sau khi tàu CSB 8003 ra đến vùng biển
Hoàng Sa, tôi thật sự xúc động khi biết mục đích chuyến đi này của ông.
André Marcel Menras bảo, ông ra Hoàng Sa để lấy tư liệu làm một bộ phim tài liệu phản ánh sự dũng cảm của ngư dân Việt Nam khi đánh bắt hải sản ở nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép.
Bộ phim này sẽ có thời lượng khoảng 1 tiếng đồng hồ, trong đó có nhiều cảnh quay quan trọng như cảnh giàn khoan Hải Dương 981 và tàu chiến Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam, cảnh về nhiều ngư dân Việt Nam có tàu cá bị đâm chìm nhưng tiếp tục đóng tàu mới ra Hoàng Sa đánh bắt…
Đương nhiên, bộ phim sẽ không thể thiếu
những đoạn phỏng vấn lực lượng thực thi pháp luật, ngư dân Việt Nam tại
Hoàng Sa và cả những nhà báo nước ngoài có mặt tại đây.
Sau khi hoàn thành, bộ phim này sẽ được
ông trình chiếu tại Pháp và nhiều nước châu Âu để kêu gọi dư luận thế
giới ủng hộ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo
trước sự hung hăng xâm phạm của Trung Quốc.
“Nếu không vạch trần bản chất của Trung
Quốc cho dư luận thế giới biết để từ đó họ ủng hộ cuộc đấu tranh của
Việt Nam thì Việt Nam sẽ có nguy cơ mất biển đảo. Bộ phim cũng là một
thông điệp cho Trung Quốc thấy rằng, dù họ điên cuồng tấn công, khủng bố
tinh thần cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân Việt Nam nhưng những lực
lượng này của Việt Nam không bao giờ lùi bước”- André Marcel Menras nói.
Đây không phải là lần đầu tiên André
Marcel Menras làm phim về Hoàng Sa. Trước đó, năm 2011, ông từng làm bộ
phim tài liệu dài 59 phút mang tên “Hoàng Sa- Việt Nam: Nỗi đau mất
mát”. Bộ phim này lấy cảm hứng từ những câu chuyện về ngư dân Quảng Ngãi
quanh năm bám biển, bám đảo làm kế sinh nhai, xem biển đảo là lẽ sống
của mình. Họ cũng là hiện thân của những hùng binh Hoàng Sa thực thi
nhiệm vụ gìn giữ chủ quyền Tổ quốc trên biển trước sự ngang ngược của
Trung Quốc.
Yêu Hoàng Sa như máu thịt
Thực ra, với nhiều người dân Việt Nam,
André Marcel Menras là nhân vật không có gì xa lạ. Năm 1968, sau khi tốt
nghiệp đại học sư phạm tại Pháp, ông sang Việt Nam dạy học tại Đà Nẵng
rồi Sài Gòn. Trong thời gian này, ông tham gia rải truyền đơn đòi Mỹ và
quân đồng minh rút quân khỏi Việt Nam và tham gia treo cờ của Mặt trận
Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trước Hạ nghị viện của Việt Nam
cộng hòa.
Việc làm ấy khiến André Marcel Menras bị
giam 2 năm rưỡi tại nhà giam Chí Hòa. Những ngày trong tù, ông được một
người bạn tù tặng do cái tên Việt Nam là Hồ Cương Quyết. Năm 2009, ông
là người nước ngoài đầu tiên được mang quốc tịch Việt Nam.
Những lúc rảnh rỗi trên con tàu CSB
8003, André Marcel Menras ra đứng ở mạn tàu dõi mắt nhìn về quần đảo
Hoàng Sa thiêng liêng. Ông bảo, cũng như bao người dân Việt Nam khác,
trái tim ông luôn hướng về Hoàng Sa bởi ông yêu Hoàng Sa như máu thịt
của mình.
Ngoài làm phim, viết báo để giúp thế
giới biết rõ bản chất của Trung Quốc mà ủng hộ Việt Nam, ông còn có
nhiều hoạt động giúp đỡ ngư dân đánh bắt ở Hoàng Sa. Những ngày rong
ruổi chiếu bộ phim “Hoàng Sa - Việt Nam: Nỗi đau mất mát” ở nhiều nước
châu Âu, ông đã quyên góp được hơn 30.000USD ủng hộ ngư dân Quảng Ngãi.
Nhiều năm trở lại đây, những lúc sang
Việt Nam, ông thường tìm đến Lý Sơn và Bình Sơn (Quảng Ngãi) giúp đỡ,
thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân gặp nạn trên biển do thiên tai
hoặc do bị tàu Trung Quốc tấn công. Lần nào trở lại ông cũng được các
gia đình ngư dân nơi đây coi như người thân đi xa trở về.
“Giúp đỡ, động viên ngư dân đánh bắt ở
Hoàng Sa cũng là cách tiếp thêm sức mạnh cho họ để họ vững vàng hơn
trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo”- André Marcel Menras tâm sự.
Khi Trung Quốc bắt đầu hạ đặt giàn khoan trái phép ở vùng biển Hoàng Sa, André Marcel Menras đang ở Pháp nhưng lòng như lửa đốt. Quá sốt ruột nên ông quyết định từ biệt mẹ già 90 tuổi và người vợ cũng đã lớn tuổi của mình để sang Việt Nam lần này.
No comments:
Post a Comment