Bauxit Việt Nam
17/07/2014
Chuẩn bị cho một giai đoạn hành động mới, nguy hiểm hơn
Thiếu
tướng Lê Văn Cương cho rằng, sau khi rút giàn khoan HD 981, Trung Quốc
sẽ đưa một số giàn khoan nhỏ hơn và tàu đánh bắt cá vào vùng biển nước
ta.
(VTC News) - Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng,
việc Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981 là để chuẩn bị cho
một giai đoạn hành động mới, nguy hiểm hơn.
Như đã đưa tin, khoảng 4h00 sáng nay, ngày 16/7, giàn khoan Hải Dương 981 do Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam cùng với một số tàu bảo vệ đã di chuyển cách vị trí ban đầu khoảng 20 hải lý theo hướng Đông Đông Bắc.
Liên quan đến sự kiện này, phóng viên VTC News đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an.
Tướng Cương cho biết, giàn khoan Hải Dương 981 có thể chịu được bão mạnh cấp 14, cấp 15 và động đất mạnh tới 8 độ richter. Bởi vậy, việc Trung Quốc rút giàn khoan này hoàn toàn không phải là để tránh cơn bão Rammasun. Trung Quốc cũng không rút giàn khoan do tác động bởi Nghị quyết 412 của Thượng viện Mỹ.
- Nghĩa là việc đưa giàn khoan ra khỏi khu vực hạ đặt trái phép đã nằm trong lộ trình rồi, thưa ông?
Đúng thế. Không phải vì sức ép của Việt Nam và thế giới mà Trung Quốc rút giàn khoan về nước. Việc Trung Quốc rút giàn khoan chỉ là họ thay đổi chiến thuật, thay đổi một phương thức hành động khác để đạt được mục đích của họ.
Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ ý định độc chiếm biển Đông. Mọi hành động, bước trước, bước sau đều được họ tính toán và lên kế hoạch từ trước.
- Như ông từng nói, Trung Quốc đang thực hiện bài bản ý đồ từ phi pháp sang hợp pháp?
Giàn khoan Hải Dương 981 thực ra chỉ là một con tốt đen của Trung Quốc. Việc họ hạ đặt trái phép giàn khoan này trong vùng biển nước ta là nhằm mục đích gây sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Với hành động này, họ như muốn loan tin (trái phép, khiến quốc tế hiểu lầm – PV) rằng, vùng biển mà họ đang hạ đặt giàn khoan là vùng biển của họ.
Sau khi hoàn thành mục đích “loan tin”, Trung Quốc sẽ rút giàn khoan về nước. Điều này đã nằm trong kế hoạch của Trung Quốc đúng như truyền thông nước này trắng trợn tuyên bố giàn khoan đã “hoàn thành nhiệm vụ khoan thăm dò”.
- Ông có nhận định gì về hành động tiếp theo đây của Trung Quốc?
Sau giai đoạn này, Trung Quốc sẽ tiếp tục có những hành động còn nguy hiểm hơn để chiếm vùng biển nước ta. Cụ thể, Trung Quốc sẽ quay trở lại vùng biển này, nhưng có thể không phải với giàn khoan Hải Dương 981 mà với các giàn khoan nhỏ khác và hàng trăm tàu đánh cá.
Trung Quốc rút giàn khoan này ra khỏi vùng biển nước ta thực chất chỉ là việc kết thúc bước chạy rốt đa, kết thúc một khúc nhạc dạo đầu. Sau khi rút giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc mới thực sự thực hiện ý đồ chiếm vùng biển nước ta.
- Có liên quan gì đến hoạt động xây dựng trên một số đảo ở quần đảo Trường Sa của ta mà họ đã dùng vũ lực chiếm đóng?
Hiện Trung Quốc sắp hoàn thiện việc xây dựng đảo Gạc Ma và đã lên kế hoạch xây dựng thêm đảo Chữ Thập.
Theo kế hoạch của Trung Quốc, họ sẽ thực hiện việc bơm cát và xây dựng đảo Chữ Thập trong vòng 2 năm sắp tới. Sau khi hoàn thành, Trung Quốc sẽ đưa tới đây vài chục thanh niên nam nữ như một xóm chài, có nhà trẻ, có trạm y tế, có sân bay bến cảng…
- Rồi tiếp đó họ sẽ làm gì nữa, thưa Thiếu tướng?
Căn cứ quân sự của Mỹ ở Ấn Độ Dương có cả tàu sân bay, tàu ngầm, tàu chiến. Một hạm đội của Mỹ luôn thường trực tại đây. Theo kế hoạch của Trung Quốc thì họ sẽ xây dựng đảo Chữ Thập lớn gấp 4 lần căn cứ quân sự của Mỹ ở Ấn Độ Dương.
Sau khi hoàn thành đảo Chữ Thập, cùng với đảo Gạc Ma, Trung Quốc sẽ thiết lập vùng nhận dạng phòng không. Nếu điều này xảy ra, vùng biển Đông sẽ bị Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn.
Việt Nam và các nước trong khu vực
đang đứng trước một cuộc đấu tranh nhiều thử thách, nguy hiểm hơn với ý
đồ thôn tính biển Đông của Trung Quốc.
Cho nên, có thể khẳng định, việc Trung Quốc đang dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981 về vùng biển của họ không phải là dấu hiệu đáng mừng. Một cuộc đấu tranh thử thách hơn, nguy hiểm hơn đang đợi chúng ta ở phía trước. Quan hệ Việt – Trung sẽ còn phức tạp hơn trong thời gian tới.
- Xin cảm ơn ông!
Các tỉnh miền Bắc ban lệnh khẩn chống bão Thần Sấm
(VTC News)- Hải
Phòng và Quảng Ninh đã ban hành công điện, họp khẩn Ban chỉ đạo để đối
phó với bão Thần Sấm được dự báo có thể đổ bộ vào 2 địa phương này.
Dự báo trong 24 giờ tới bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25km. Đến 16 giờ ngày 17/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,8 độ Vĩ Bắc; 114,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 230km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.
Sơ đồ đường đi của bão Rammasun - Nguồn: Nchmf |
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25km. Đến 16 giờ ngày 18/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc; 110,1 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển phía Đông Biển Đông, có gió mạnh cấp 9, cấp 10, sau tăng lên cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão cấp 13, cấp 14, giật cấp 16, cấp 17. Biển động dữ dội. Vùng biển quần đảo Hoàng Sa từ ngày mai (17/7) có gió mạnh dần lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão cấp 13, cấp 14, giật cấp 16, cấp 17. Biển động dữ dội.
Tại Hải Phòng
Trước tình hình trên, hồi 17 giờ 30 phút chiều nay (16/7), UBND TP Hải Phòng tổ chức họp khẩn, bàn biện pháp chỉ đạo, phòng chống cơn bão số 2, theo dự báo có thể sẽ đổ bộ vào khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh trong một vài ngày tới. Đồng thời, UBND TP Hải Phòng đã có Công điện só 10/CĐ-CT chỉ đạo các ngành, các địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp phòng chống bão.
Theo đó, từ ngày 14/7, để chủ động phòng chống bão, Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB&TKCN Thành phố đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng, Đài Thông tin Duyên hải Hải Phòng thông tin về diễn biến của áp thấp nhiệt đới và bão cho các ngành, địa phương và phương tiện hoạt động trên biển để chủ động phòng tránh;
Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Đông Bắc, Đài Thông tin Duyên hải Hải Phòng, Đài Phát thanh Truyền hình Hải Phòng kịp thời thông tin về bão trên các hệ thống thông tin chuyên dụng và đại chúng; Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng Hải Phòng chỉ đạo đồn các Đồn, Trạm biên phòng phối hợp với gia đình chủ tàu, thuyền trưởng, địa phương thông báo cho các phương tiện đang hoạt động trên biển và neo đậu tại bến về diễn biến bão để chủ động phòng, tránh và di chuyển về nơi trú tránh.
Tổ chức lực lượng, phương tiện trực phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo triển khai các phương án phòng chống bão. Chi cục Đê điều và PCLB phối hợp với các địa phương kiểm tra, rà soát vị trí đê điều xung yếu, ứng trực sẵn sàng xuất cấp vật tư dự trữ PCLB và xử lý sự cố phát sinh;
UBND TP Hải Phòng họp khẩn chỉ đạo công tác PCBL& TKCN |
Các ngành, các địa phương đã tiếp nhận thông tin diễn biến bão để chủ động triển khai công tác phòng chống. Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng yêu cầu các doanh nghiệp quản lý khai thác cảng, các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu biển, chủ tàu, đại lý và thuyền trưởng các tàu theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để chủ động ứng phó, có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, kho hàng…
Các huyện ngoại thành đã chỉ đạo tiêu thoát nước đệm đề phòng mưa lớn, sẵn sàng phương tiện, lực lượng úng phó với bão, đẩy nhanh tiến độ gieo cấy vụ mùa theo kế hoạch; Thông báo, kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn (258 tàu trong đó có 36 tàu vươn khơi), sẵn sàng phương tiện, lực lượng để sơ tán 303 hộ/899 người phía ngoài đê và 30 hộ nuôi ngao với 45 chòi canh (65 lao động) ven biển vào bờ khi bão đổ bộ;
Riêng huyện đảo Bạch Long Vỹ: Đã tuyên truyền, thông báo cho 438 phương tiện/1.048 lao động đang hoạt động trên khu vực biển đảo Bạch Long Vỹ về diễn biến và hướng di chuyển của bão; vận động được 44 phương tiện/347 lao động về đất liền tránh bão; vận động đưa lên bờ tránh bão 14 phương tiện thuyền nan/ 24 lao động.
Một số quận nội thành chuẩn bị các phương án gia cố, sơ tán dân đảm bảo an toàn tại các khu nhà xung yếu; có biện pháp gia cố, bảo vệ các công trình công cộng, nhà ở, trường học, hệ thống điện, đường giao thông, cây xanh; có kế hoạch di dời dân khỏi khu vực nguy hiểm tại một số phường;
Quận Đồ Sơn chỉ đạo phòng chống bão trên địa bàn, chú trọng các khu du lịch; thông báo và tổ chức neo đậu an toàn cho 365 tàu thuyền/1170 lao động, hiện còn 46 phương tiện/184 lao động đang hoạt động (trong đó có 02 tàu xa bờ/29 lao động); duy trì lực lượng, vật tư, phương tiện cứu hộ, cứu nạn; tổ chức di dời các hộ nuôi ngao về vị trí an toàn; sẵn sàng phương án tiêu nước đệm.
Đây là cơn bão mạnh, dự kiến sẽ đổ bộ vào khu vực Hải Phòng-Quảng Ninh từ đêm 18 và sáng sớm ngày 19/7 và vào thời điểm triều cường, UBND Thành phố chỉ đạo các ngành, các địa phương, đơn vị khẩn trương thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố tại Công điện số 10/CĐ-CT và một số nhiệm vụ cụ thể như di chuyển tàu thuyền, sơ tán lồng bè về nơi trú tránh hoàn thành trước 18 giờ ngày 18/7;
Dừng các hoạt động vận chuyển khách du lịch, bến phà, phương tiện đường thuỷ nội địa từ 18 giờ ngày 18/7; Tổ chức sơ tán người ở các khu vực xung yếu, trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ sản hoàn thành trước 18 giờ ngày 18/7;
Các lực lượng ứng trực sẵn sàng thực hiện biện pháp phòng chống, khắc phục hậu quả bão, mưa lớn có thể xảy ra; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vận tư phương tiện tại chỗ; Kiểm tra, rà soát đề phòng nguy cơ sạt lở đất đá tại các khu vực dân cư khu vực chân đồi núi, mỏ đất đá (Thuỷ Nguyên, Cát Bà, Kiến An, Đồ Sơn).
Tại Quảng Ninh
Ngày 15/7, Văn phòng Ban Chỉ đạo PCBL&TKCN tỉnh có Công điện số 01 gửi Ban chỉ huy PCBL & TKCN các huyện ven biển; Sở Giao thông Vận tải; Sở NN & PTNT; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh về chủ động các biện pháp đối phó với bão Rammasun.
Theo đó, để chủ động đối phó với bão, Văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đề nghị Ban chỉ huy PCTT và TKCN các địa phương ven biển, Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thông báo cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh;
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, giữ thông tin liên lạc với các chủ tàu thuyền để kịp thời xử lý khi có tình huống xấu xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để chủ động đối phó và xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.
Mời quý độc giả xem các bản tin cập nhật về giàn khoan trái phép Hải Dương 981 trên VTC 14 vào lúc 19h hàng ngày và VTC 1 vào lúc 20h hàng ngày. Xem tiếp sóng VTC1, VTC14 trên VTC News từ 19h hàng ngày.
No comments:
Post a Comment