Đó là các vấn đề “nóng”được đem ra “mổ xẻ” tại Hội nghị 6
tháng đầu năm 2014 của Ban chỉ đạo Tây Nguyên diễn ra tại tỉnh Gia Lai
ngày 28.6. Trong đó, vấn đề thủy điện được xem là nóng nhất, cần gấp các phương án về hỗ trợ tái định canh - định cư, bố trí đất sản xuất và triển khai các biện pháp an toàn hồ đập. Hội nghị lần này do Đại tướng Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ CA - Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên chủ trì.
Thủy điện làm khổ dân
Đối với thủy điện, việc xử lý những tồn đọng, vướng mắc vẫn đang làm “đau đầu” các bộ ngành Trung ương. Những bức xúc, kiến nghị của dân về công tác đền bù, bố trí đất sản xuất, hỗ trợ tái định cư (TĐC)… vẫn chưa được Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giải quyết dứt điểm và có trách nhiệm.
Thực tế đã chứng minh khi thủy điện An Khê - Ka Nak (Gia Lai - Bình Định) khởi công năm 2005. Theo quy hoạch, 496 hộ dân với gần 2.400 khẩu phải chuyển ra khỏi vùng ngập lòng hồ, được bố trí 5 khu tái định cư. Tuy nhiên, đến nay tại làng Groi thuộc TT. K’Bang (huyện K’Bang) 92 hộ dân vẫn chưa được cấp đất sản xuất.
Trả lời báo Lao Động trước đó, ông Hồ Trung Hưng - Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện K’Bang ta thán: “Thủy điện An Khê - Ka Nak phát điện từ năm 2009, nhưng hiện giờ vẫn chưa tìm nguồn đất bố trí cho người dân làng Groi khiến chính quyền địa phương rất bức xúc”.
Ông Hưng kiến nghị, việc xây dựng thủy điện, trước khi thu hồi đất phải xây dựng phương án TĐCĐC trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt rồi mới triển khai thực hiện. Có như vậy người dân mới có chỗ ở, đất sản xuất sau khi giao đất cho dự án. Việc các khu TĐC thủy điện kém chất lượng cũng được đặt lên bàn nghị sự. Tại tỉnh Kon Tum, đã có 11 hộ dân ở xã Đắk Nên, (huyện Kon Plông) không chịu nhận nhà TĐC thủy điện Đắk Đrinh, 22 hộ khác đã nhận nhà nhưng lại quay trở về làng cũ. Việc không đáp ứng yêu cầu của các khu TĐC thủy điện khiến hàng trăm hộ dân phải trở về chỗ ở cũ để sinh sống, canh tác là bài toán nan giải đang chờ được giải quyết tại các tỉnh Kon Tum, Gia Lai...
Trả lời chất vấn tại hội nghị, ông Dương Quang Thành - Phó Tổng Giám đốc EVN thừa nhận, tại Tây Nguyên hiện có 3 công trình thủy điện tồn tại các vướng mắc liên quan đến việc di dân, tái định canh, định cư đó là thủy điện Đồng Nai 3 (Lâm Đồng - Đắc Nông), Plei Krông (Kon Tum) và An Khê - Ka Nak (Gia Lai - Bình Định). “Đặc thù di dân TĐC của các dự án thủy điện đa số là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc đưa người dân vào các khu TĐC là chưa phù hợp vì trái với phong tục tập”, ông Thành nói. Song song, việc an toàn các hồ chứa thủy điện, thủy lợi còn nhiều bất cập, nguy cơ vỡ đập cao đe dọa nghiêm trọng đến đời sống hàng ngàn hộ dân ở phía hạ nguồn.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT - Hoàng Văn Thắng cho biết: “Tây Nguyên có gần 1.400 hồ đập và tỷ lệ mất an toàn khá cao, đặc biệt có đến 140 hồ đập mất an toàn đến mức báo động vì được xây dựng trong giai đoạn đất nước còn khó khăn".
Một người dân ở huyện K'Bang (Gia Lai) khóc nức nở vì cuộc sống ở khu TĐC thủy điện nghèo hơn chỗ ở cũ. |
Những căn nhà TĐC thủy điện không một người dân nào chịu ở vì thiếu đất sản xuất. |
Việc chủ đầu tư thủy điện không bố trí đất sản xuất là một trong những nguyên nhân khiến người dân phá rừng để lấy đất trồng trọt. |
Tại Tây Nguyên, việc quy hoạch, sắp xếp và ổn định dân di cư tự do thực sự là vấn đề nan giải, đặc biệt ở hai tỉnh Đắc Lắc và Đắc Nông. Theo báo cáo mới nhất của Ban chỉ đạo Tây Nguyên, toàn vùng hiện còn hàng chục ngàn hộ dân di cư tự do chưa ổn định đời sống. Cá biệt có hàng trăm hộ sống tạm bợ, ở sâu trong rừng, phá rừng và săn bắn trái phép, tranh chấp đất đai với người dân tại chỗ.
Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, hiện tại vẫn chưa có các chính sách, giải pháp lâu dài để giải quyết vấn đề dân di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên vì thiếu vốn đầu tư cho các dự án tái định cư cho người di dân.
Tình trạng phá rừng, buôn lậu gỗ trên tuyến biên giới tại các tỉnh Tây Nguyên diễn biến hết sức nghiêm trọng. Ngày càng xuất hiện nhiều đầu nậu gỗ, gia tăng các vụ chống người thi hành công vụ. Nguyên nhân được các chính quyền địa phương đưa ra là do thiếu kinh phí và việc phối hợp giữa các lực lượng còn lỏng lẻo.
Bên cạnh đó, tại Tây Nguyên hiện có khoảng 32.000 hộ dâm thiếu đất sản xuất với khoảng 20.000 ngàn ha. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất khiến hàng trăm cánh rừng bị biến thành đồi trọc.
No comments:
Post a Comment